Ngày 1-7, Thanh tra giao thông và CSGT trên toàn quốc đã chính thức bắt đầu ra quân xử phạt về việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình trong kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Phương thức kiểm tra lần này của thanh tra giao
thông và CSGT là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên phương
tiện xe khách, xe du lịch và xe container, kiểm tra in ấn từ thiết bị in cầm
tay, kiểm tra trích xuất dữ liệu lưu trữ trên internet. Trong đó, quan trọng nhất
vẫn là kiểm tra thông tin về xe và lái xe, hành trình, tốc độ vận hành của xe,
số lần và thời gian dừng đỗ, số lần và thời gian đóng mở cửa xe, thời gian lái
xe, trọng tải…
Tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), trong ngày hôm qua
(1-7), đoàn thanh tra thuộc sở GTVT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hộp đen ở tất
cả các loại xe thuộc tại 2 địa điểm: khu vực bến xe buýt và khu vực bến xe
khách. Dưới sự giám sát của thanh tra, các kỹ thuật viên đã kiểm tra hộp đen
giám sát hành trình dựa trên các tiêu chí: lắp hay không lắp hộp đen, hộp đen
được lắp nhưng có hoạt động hay không và sự tích hợp hộp đen với hệ thống. Theo
kết quả kiểm tra sơ bộ, 100% các xe được kiểm tra đều lắp đặt hộp đen. Tuy
nhiên, nhiều hộp đen không đạt chuẩn. Ông Nguyễn Quang Lương, Đội trưởng Đội
thanh tra khu vực xe buýt Mỹ Đình cho biết, trong 10 xe khách kiểm tra đợt 1 đã
có 4 trường hợp bị lập biên bản. Các xe này đều có hộp đen nhưng hầu hết đều
không hoạt động, bị trục trặc kỹ thuật. 8/10 chưa tích hợp vào hệ thống.
Tại bến xe phía Nam Hà Nội, qua kiểm tra nhanh 20 xe
khách, lỗi bắt gặp nhiều nhất vẫn là hộp đen chưa tích hợp với hệ thống. Điều
này đồng nghĩa, các số liệu mới chỉ được lưu trữ vào thẻ nhớ, còn sự kiểm soát
của các ngành chức năng sẽ bằng không, khi không thể truy cập. Theo ông Đào
Thanh Anh, Giám đốc Công ty phát triển cơ sở Bình Anh, doanh nghiệp cung cấp
thiết bị giám sát hành trình cho nhiều đơn vị như Tổng công ty Vận tải Hà Nội,
Công ty TNHH vận tải Hoàng Long, Công ty TNHH Thương mại- Tài chính Hải Âu…
Công ty sẽ chịu trách nhiệm trong các trường hợp khách hàng duy trì các dịch vụ
máy chủ, sim cạc đều đạt, đã niêm yết bảng hướng dẫn ở trên xe, đèn trạng thái
hoạt động mà không in ấn được. Ngược lại, nếu chủ xe làm mất bản hướng dẫn,
không ghi lại số sim thì không thể đổ lỗi cho nhà cung cấp.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UB An toàn giao
thông quốc gia cho biết, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vận tải sẽ buộc
phải tích hợp vào hệ thống để ngành chức năng kiểm soát. Theo quy định nếu đơn
vị kinh doanh vận tải nào vi phạm một trong các lỗi như: 5% số lượng lượt xe hoạt
động trên tuyến người lái xe vi phạm hành trình hoặc có 20% số lượng lượt xe hoạt
động trên tuyến người lái xe vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định hoặc
10% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến, người lái xe vi phạm quy định về thời
gian điều khiển phương tiện như lái xe quá 4 giờ liên tục và quá 10 giờ trong một
ngày… sẽ bị tước giấy phép kinh doanh.
Theo số liệu chưa đầy đủ, trong sáng ngày 1-7, tại
Hà Nội có 15 trường hợp doanh nghiệp bị lập biên bản, TP. Hồ Chí Minh có 5 trường
hợp. Các tỉnh thành khác đang tổng hợp số liệu và sẽ báo cáo UB ATGT QG trong
những ngày tới.